Chuyện về chuyến viếng Miếu Bắc bỏ

Tôi chép lại đây mẩu chuyện của người bạn học cùng thời đại học ở Đại học Tổng hợp Hà nội. Anh bạn này nhà ở phố Huế, cùng phường với nhà bạn Lê Ngọc Huyền của lớp 10K. Anh tên là Phấn, một cựu chiến binh chiến đấu 5 năm suốt các chiến trường Quảng Trị, Thừa thiên Huế và đến Sài gòn. Một sự nhắc nhở nào đó khiến anh viếng thăm Miếu Bắc bỏ. Khi trở về anh đã viết những dòng dưới đây trên Facebook. Xin chép lại đây, như một nén nhang thắp cho bạn Huyền và các đồng đội Trung đoàn 207, đã hy sinh ở Đá Biên.

“Trở về HN sau chuyến đi Miếu Bắc bỏ ( ấp Đá biên xã Thạnh Phước huyện Thạnh hoá Long an) cảm giác cứ lâng lâng khó tả .

Bình tĩnh nhìn lại chuyến đi thấy như có sự sắp đặt nào đó của tạo hoá mọi, sự diễn ra đều bất ngờ thú vị. Trước chuyến đi mình thông báo cho một người bạn cùng Khoa Toán ĐHTH, anh nói rất tiếc mình không có điều kiện đi được, hãy giúp mình thắp một nén nhang cho bạn mình là Lê Ngọc Huyền cùng lớp toán đặc biệt Trường Chu văn An nhà ở 38 phố Phù đổng Thiên vương, Hai bà Trưng, HN.

Sau khi thắp hương chung cho các liệt sỹ mình đề nghị” chủ miếu” (chính là anh Tư Tờ người lập miếu đầu tiên với vài cây tre và những tấm vải bạt miếng tôn đơn sơ) cho xem danh sách chi tiết từng liệt sỹ (bản danh sách các liệt sỹ do trung đoàn 207 liệt kê) thấy nhiều liệt sỹ chỉ có tên và không có thông tin gì thêm. Lê Ngọc Huyền …., hết. Gọi điện thoại ngay về cho người bạn và xin phép “ chủ miếu” mình ghi thêm vào: Liệt Sỹ Lê Ngọc Huyền sinh năm 1954, địa chỉ: 38 Phủ đổng Thiên vương, Hai bà Trưng, HN. Như vậy Liệt sỹ hy sinh khi mới 19 tuổi. Ghi thêm vào danh sách mà tay run run nước mắt ứa ra. Cũng còn nhiều liệt sỹ chỉ có tên thôi!. Cũng có một số nhỏ các gia đình liệt sỹ, liên hệ được gửi ảnh vào miếu thờ. Chuyện trò trực tiếp với Tư Tờ nay đã 60 tuổi chúng tôi gọi là chú em nên cũng dễ bộc bạch. Khi chiến sự xẩy ra Tư Tờ mới 13 tuổi sao lại nhớ ngày 3-10-1973 là ngày giỗ của các thần hoàng làng mũ cối? Và ông anh ruột của Tư Tờ lúc đó 15 tuổi cùng mất một ngày lại được công nhận là Liệt sỹ? và mẹ của Tư Tờ được hưởng chế độ của mẹ Liệt Sỹ là cả một câu chuyện chỉ xẩy ra trong chiến tranh.

Sáng 6/11 Tôi và người bạn (sếp đầu đời lính của tôi) qua một người quen thuê một chuyến xe từ TP HCM đi miếu Bắc bỏ. Hỏi chúng tôi đi đâu khi biết mục đích chuyến đi anh ta ồ lên và cho biết vợ anh ta cũng đã từng đến thắp hương cùng các bạn buôn bán làm ăn và nói đền thiêng lắm các anh ơi và anh ta xin ra nhập đoàn vào viếng cùng hai chúng tôi. Kết thúc chuyến đi chúng tôi gửi tiền xe anh ta nhất định không nhận và nói: được đi với hai anh hôm nay là cái duyên, là cái may mắn của em rồi. Chuyện lạ thú vị thế đấy!

Ở lại SG mấy ngày sau chuyến đi bọn tôi đi đâu cũng may mắn và gặp nhiều điều thú vị, chắc các vị thần hoàng làng mũ cối nơi miếu Bắc bỏ phù hộ chúng tôi . Chúng tôi tin là như vậy.

HN 12/11/2019.

Nguyễn văn Phấn”.

Người chép lại: Bạch Long Giang

Bình luận về bài viết này